Bậc thầy kính nghệ thuật
Họa sĩ Bùi Chí Công chính là người thổi hồn cho kính nghệ thuật ở Việt Nam. Anh và các cộng sự từng bước đưa vẻ đẹp mê hồn của kính nghệ thuật đến gần hơn với công chúng trong nước
Ngồi với nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Thượng tọa - TS Thích Đồng Bổn, trụ trì chùa Xá Lợi (quận 3, TP HCM), bàn về việc triển lãm tranh kiếng Nam Bộ nhân mùa Vu lan 2013, chúng tôi rất quý trọng nét tài hoa của người lao động vùng đất mới nhưng hết đời này tới đời khác tranh kiếng vẫn là… tranh kiếng. Vẫn đề tài ấy, bút pháp ấy và rất dễ vỡ, gây tai nạn như chơi. Trong khi đó, kính nghệ thuật vượt trội hơn với nhiều ưu điểm về mỹ thuật, độ tinh tế, độ bền chắc và an toàn…
Từng bước phổ biến
Sách báo, phim ảnh cho thấy những kiệt tác thủy tinh nghệ thuật của phương Tây như: Giáo đường La Sainte-Chapelle ở Paris - Pháp, nhà thờ Saint Mathieu ở đảo Jersey, Trung tâm Văn hóa lịch sử Municipal House ở thủ đô Prague - Czech… được làm từ thế kỷ XVIII - XIX vẫn cứ lung linh với thời gian và từng bước người ta đưa kính nghệ thuật vào các công trình vui chơi công cộng, từng gia đình… Những sản phẩm này từ lớn đến nhỏ đều có độ cứng cao, chịu nén tốt, không mài mòn, không thấm nước, không bám bụi và rêu mốc nên không sợ vỡ tan, gây tai nạn như tranh kiếng của ta.
Họa sĩ Bùi Chí Công
Thượng tọa Thích Đồng Bổn nói: “Hôm nào đi tập, tôi dẫn anh lên sân golf Long Thành (Đồng Nai). Nơi ấy có mái kính màu rất đẹp như một giàn hoa nhiều màu sắc. Đứng ở mỗi nơi, ta có sự khám phá riêng nhờ sự tương tác giữa thủy tinh và ánh sáng”.
Theo Huỳnh Ngọc Trảng, sau hơn 1/4 thế kỷ hội nhập, kính nghệ thuật phương Tây đã không quên “vùng lõm” Việt Nam. “Đi đâu cho xa, cứ đến đại sảnh khách sạn Equatorial (quận 5, TP HCM), khu vực giải trí trong khách sạn Majestic (quận 1) hoặc một số biệt thự bên Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM)…, sẽ thấy hoành tráng luôn” - Huỳnh Ngọc Trảng cho hay.
Nhiều người tin từ cơ sở ban đầu này, cái đẹp của kính nghệ thuật dần dà sẽ đến với đại bộ phận dân chúng Việt Nam. Lúc ấy, tranh kiếng truyền thống Nam Bộ nói riêng, tranh kiếng Việt Nam nói chung sẽ thay đổi, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.
Vẻ đẹp trường cửu
Khi triển lãm Tranh kiếng Nam Bộ khai mạc, người xem bất ngờ thấy có mấy tác phẩm kính màu đề tài Phật giáo khổ lớn như: Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ tát, Lý ngư liên hoa… Chủ nhân những tấm tranh này là họa sĩ Bùi Chí Công, Giám đốc Công ty Cổ phần Kính nghệ thuật (Art Glass J.S. Company). Đẹp và lạ là điều dễ nhận thấy song chất lượng ra sao?
Họa sĩ Bùi Chí Công dẫn tôi đến nhìn từng tấm tranh ở mọi góc độ rồi cho biết để có được tấm tranh kiếng nghệ thuật Quán Thế Âm Bồ tát (0,95 m x 2 m), nhóm họa sĩ và nghệ nhân của Art Glass phải sử dụng hơn 200 mảnh kính màu được cắt, mài, ghép với nhau bằng các nẹp chì. Màu của kính được tạo thành bằng cách pha trộn các ô-xít kim loại vào thủy tinh nóng chảy 1.4000C nên có độ bền vĩnh cửu. Ánh sáng chiếu qua vết sần trên kính tạo nên hiệu ứng như những hào quang sống động, không cần nhờ đến những bóng điện lập lòe như lâu nay.
Tác phẩm Phật A Di Đà và Lý ngư liên hoa thì được nhóm họa sĩ và nghệ nhân Art Glass sử dụng nhóm vật liệu tự kết dính gồm phim màu polyester, kính mài crystal, kính nung và nẹp chì được dùng để tạo thành tranh, hoa văn truyền thống hay đương đại trên kính, khả năng ứng dụng trong thiết kế là không giới hạn. Độ bền màu trong nội thất tính chắc ăn khoảng 20 năm.
Tìm thầy học nghề
Qua họa sĩ Bùi Chí Công, tôi biết những tác phẩm kính nghệ thuật mà Thượng tọa Thích Đồng Bổn và nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giới thiệu đều do bàn tay tài hoa của nhóm họa sĩ và nghệ nhân Art Glass thực hiện. Không chỉ có vậy, hơn 20 dự án lớn ở Việt Nam, như: trụ sở Bộ Quốc phòng (Hà Nội), trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hà Nội), Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (TP HCM), Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội)... đều do công ty của anh sáng tác và thực hiện.
Bùi Chí Công là 1 trong 2 người châu Á (người kia quốc tịch Nhật Bản) là thành viên Hiệp hội Kính màu Mỹ (Stained Glass Association of America - SGAA) từ năm 2008. Hiệp hội chỉ chứng nhận 2 năm/lần. Trong 2 năm ấy, nếu không có công trình nào thì bị xóa tên thành viên. Với anh, hiệp hội này thực ra không là gì với nhiều người nhưng với người trong nghề thì đó là giấy thông hành để đến các dự án ở những nước phát triển. Art Glass đã có điều kiện tham gia các dự án ở Mỹ, Úc, Đài Loan…
Trả lời những thắc mắc của tôi, Công cho biết sau khi nghỉ việc ở Tổng Công ty Tạp phẩm, trở lại với nghề đã học nhưng không muốn quanh quẩn với sắt, gỗ truyền thống, anh tiếp cận kính nghệ thuật. Lý thuyết vẫn mãi là lý thuyết, anh đã bỏ công tìm kiếm một bậc thầy để học nghề. Qua bạn bè, Công được GS Mucha - viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật Czech, chuyên ngành trang trí trên kính - đồng ý dạy nghề cho anh trong những tháng hè.
Năm 1994, anh tự tin đứng ra thành lập Công ty Art Glass và tiếp tục vừa làm vừa học mấy mùa hè như thế. Hiện nay, Công ty Art Glass có 50 lao động tinh tuyển. Nghề này, xưa nay ở Việt Nam chưa có nên anh phải dạy từ A đến Z. Trong thời gian học nghề, người lao động được hưởng 3 triệu đồng/tháng. Khi thành nghề, thu nhập của người lao động đạt từ 6 triệu đến 12 triệu đồng/tháng. Nghe vậy mà vui.
Đến nay, Art Glass là công ty chuyên nghiệp duy nhất tại Việt Nam thiết kế, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm kính, thủy tinh nghệ thuật trong trang trí nội, ngoại thất và kiến trúc.
Nghệ thuật vẽ tranh bằng ánh sáng
Công ty Art Glass hiện sản xuất kính ghép màu, đèn thủy tinh nghệ thuật, gương nghệ thuật, kính điêu khắc, mosaic nghệ thuật… Theo họa sĩ Bùi Chí Công, kính ghép màu là quá trình thủ công tỉ mỉ cắt ghép các mảnh kính màu tạo nên các bức tranh sống động. Khởi thủy, tranh kính ghép màu được dùng trang trí cửa sổ nhà thờ. Từng bước, sự vươn lên của các nghệ sĩ cá nhân cùng với kỹ thuật, công nghệ mới và nhu cầu về một không gian sống hòa hợp với thiên nhiên, kính ghép màu đã được ứng dụng linh hoạt trong trang trí nội, ngoại thất các công trình dân dụng, thương mại, tôn giáo…
Art Glass đã thực hiện công trình trần kính (4,7 m x 4,7 m) tại căn biệt thự đơn lập ở quận 2, TP HCM. Tác phẩm này có thiết kế như một tấm thảm lộng lẫy với công năng đặc biệt vừa là trần của sảnh thông tầng, đồng thời là hiên trước phòng ngủ chính. Hay trần đại sảnh khách sạn Equatorial, mái kính “Hoa cỏ mùa xuân” tại Long Thành Golf, vòm kính nghệ thuật tại khách sạn Golf Cần Thơ…; nhỏ như các cửa sổ, cửa chính ở biệt thự Ngọc Sương (quận 1, TP HCM), một số biệt thự ở Phú Mỹ Hưng, vách cầu thang ở biệt thự An Dương Hà Nội hoặc bộ tranh “12 phong cảnh đất nước” đặt tại Bộ Quốc phòng…
KTS - nhà thiết kế quốc tế Graham Taylor (người Anh) - nổi tiếng với các dự án ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu, có văn phòng đặt tại Singapore, Malaysia, Dubai và Việt Nam, hiện là Giám đốc điều hành của Design Tek Group và chủ sở hữu của Graham Taylor Designs - đánh giá cao năng lực sáng tạo cũng như tay nghề của họa sĩ Bùi Chí Công và tập thể lao động Công ty Art Glass. Họa sĩ Bùi Chí Công chính là người thổi hồn cho kính nghệ thuật ở Việt Nam.
Theo ông, bản chất của kính ghép màu chính là “nghệ thuật vẽ tranh bằng ánh sáng”. Đèn thủy tinh nghệ thuật, gương nghệ thuật, kính điêu khắc, mosaic nghệ thuật… cũng từ đó mà ra. Riêng mosaic nghệ thuật có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại. Những bức tranh mosaic đầu tiên được ghép từ vỏ sò. Bước vào thế kỷ XXI, với chất liệu thủy tinh, mosaic đã thăng hoa. Ông đánh giá cao tác phẩm Thác Lý ngư hóa long của Art Glass thực hiện tại showroom Minh Sáng của Công ty Sứ Minh Long (Bình Dương), chế tác từ hạt crystal mosaic, kích thước 19 m x 4,5 m.
Dự án nối tiếp dự án
Bùi Chí Công sinh năm 1958, quê quán Bình Định. Anh tốt nghiệp ngành họa sĩ thiết kế nội thất Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội 1982, từng là Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam (2005), hiện là giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; đối tác thiết kế của Viện Thiết kế Bộ Quốc phòng.
Hiện Art Glass đang tham gia và thực hiện rất nhiều dự án, nổi bật trong đó phải kể đến: Bảo tàng Quảng Ninh (mới), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP HCM, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (mới), Bảo tàng Cao su Việt Nam...
Tranh kính màu của Công ty Art Glass đặt tại Bộ Quốc phòng
|
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bài và ảnh: VU GIA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét